Những cân nhắc trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp BĐS

Chuyên gia cho rằng cần cân nhắc kỹ trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp BĐS

Giai đoạn gần đây hầu như các doanh nghiệp BĐS đều rất quan tâm đến việc phát hành trái phiếu. Trong quý II/2021, lĩnh vực BĐS đứng thứ hai về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với số trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu đáng kể. Bộ Xây Dựng đã có những khuyến cáo về vấn đề này đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng có những phân tích đáng chú ý về việc phát hành trái phiếu đối với các doanh nghiệp BĐS.

Doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu đứng thứ hai trong quý II/2021

Báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực BĐS quý II/2021, Bộ Xây Dựng dẫn số liệu từ Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 192.203 tỷ đồng. Trong đó TPDN phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng. Lượng TPDN tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 15.375 tỷ đồng. Khối lượng TPDN tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu. Tổng giá trị phát hành của nhóm này đạt 18.485 tỷ đồng. Nhóm các doanh nghiệp BĐS đứng ở vị trị thứ hai. Tổng giá trị phát hành của nhóm này đạt 4.950 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là hai đợt phát hành TPDN ra công chúng trong nước. Tổng giá trị đợt phát hành của CTCP Glexhomes là 500 tỷ đồng. Đợt phát hành của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) là 1.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu đứng thứ hai trong quý II
Doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu đứng thứ hai trong quý II/2021

Trong lĩnh vực BĐS, xây dựng có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. “Như vậy, có thể thấy, vào cuối quý II/2021, trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành tăng cao. Trong đó nhóm ngành BĐS thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn”, báo cáo của Bộ Xây Dựng nêu.

Bộ Xây Dựng khuyến cáo vấn đề đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Ngoài ra, trong quý có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Tập đoàn Vingroup phát hành với 500 triệu USD trái phiếu. Trái phiếu xanh của CTCP Bất động sản BIM là 200 triệu USD. Lãi suất phát hành trái phiếu BĐS chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm. Riêng lãi suất trái phiếu mà các ngân hàng phát hành thấp hơn và có sự phân hóa. Lãi suất chỉ dao động từ >3%- >7,5%.

Cũng dẫn thông tin từ Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Xây Dựng khuyến cáo, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư TPDN riêng lẻ. Cần tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.

“Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua TPDN chỉ vì lãi suất cao và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường BĐS có biến động tiêu cực”, Bộ Xây Dựng khuyến cáo.

Phải thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém
Phải thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém

Phân tích của các chuyên gia

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích: “người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trái phiếu vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu. Họ nhầm tưởng trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh, nên đặt lòng tin. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp duy trì lãi suất khá cao, có thể gấp đôi, gấp ba lãi suất tiền gửi ngân hàng, rất hấp dẫn với các nhà đầu tư ở Việt Nam”.

Đánh giá về vấn đề sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm khi phát hành trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích: cổ phiếu doanh nghiệp phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều khi giá cổ phiếu trồi sụt, tăng nóng rồi giảm mạnh. Khi doanh nghiệp khó khăn, giá cổ phiếu sẽ đi xuống, giá trị tài sản đảm bảo sẽ sụt giảm

Nếu nhà đầu tư yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo chắc khó. Vì lúc đó, doanh nghiệp chưa chắc đã có tài sản đảm bảo để bổ sung. Khi đó hoặc là hết cổ phiếu, hoặc là hết tài sản cố định. Bởi vậy, theo ông Lực, nhà đầu tư cần phải tính toán kỹ. Cần tuỳ khẩu vị rủi ro và khả năng chấp nhận rủi ro đến đâu để đưa ra quyết định đầu tư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *